DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH LÀNG VĂN HÓA AN TỬ, XÃ KHỞI NGHĨA, HUYỆN TIÊN LÃNG, HẢI PHÒNG
1. Tên gọi, địa điểm di tích
Cũng như các làng, xã của vùng đồng bằng Bắc bộ, theo truyền thống văn hóa, xã An Tử Thượng (安子上), huyện Tiên Lãng xưa đã xây dựng ngôi đình để thờ Thành hoàng làng, cầu mong sự che chở phù hộ của các Ngài với người dân trong cuộc sống. Ngôi đình trước kia còn là nơi công quán, địa điểm làm việc của các chức dịch làng xã. Đặc biệt đình An Tử Thượng xưa và nay là đình Làng Văn hóa An Tử luôn là nơi cộng đồng dân cư của làng sinh hoạt, lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương. Trải qua thời gian và sau nhiều lần chia tách đơn vị hành chính, hiện nay làng An Tử Thượng xưa được gọi là Làng Văn Hóa An Tử, thuộc xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Làng Văn hóa An Tử gồm 4 thôn, có tên gọi An Tử 1 đến thôn An Tử 4. Đình Làng Văn hóa An Tử nằm trên địa giới của thôn An Tử 2, nhưng ngôi đình là sở hữu chung của nhân dân Làng Văn hóa An Tử.
2. Đường đi đến di tích:
Từ trung tâm thành phố Hải Phòng đi bằng các phương tiện thô sơ, xe cơ giới, qua nhiều tuyến đường khác nhau để về thị trấn huyện Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, từ đây hỏi thăm, hoặc qua hệ thống phương tiện công nghệ thông tin cá nhân chỉ dẫn qua định vị vệ tinh, để về xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng. Di tích đình Làng Văn hóa An Tử nằm ở ven làng, bên cánh đồng xanh tốt của thôn An Tử 2, xã Khởi Nghĩa.
3. Khái quát lịch sử địa phương
Làng Văn hóa An Tử xa xưa là xã An Tử Thượng, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách, đây là vùng đất cổ có từ lâu đời, được hình thành muộn nhất vào thời Trần, thế kỷ XIII-XIV. Bởi thời Lê Sơ địa phương đã có Ngài Nguyễn Cảnh Diễn sinh năm 1447, ông đỗ Đệ Nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi năm Nhâm Tuất (1502) niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 đời Lê Hiến Tông. Ngoài ra trong văn bi “Phó thần bi ký” (副神碑記) dựng niên hiệu Thịnh Đức thứ 4 (1656), đã ghi An Tử Thượng là một đơn vị hành chính xã, thuộc huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách. Trong bia ghi một vị đại quan người địa phương tên là Ngô Văn Khuê, ông là Giám sinh Quốc Tử giám, chức Chỉ huy Liễm sự. Ông cùng phu nhân đã đứng đầu hưng công, công đức tiền, ruộng đất để trùng tu, tôn tạo đền, miếu tại địa phương. Hai ông bà đã được dân trong xã tôn vinh bầu làm Phó thần quan, được thờ phối hưởng tại đền, miếu của làng. Tại bia còn ghi nhiều vị ở các dòng họ trong làng, như: họ Nguyễn, họ Đoàn, họ Phạm, họ Trịnh…Như vậy chứng tỏ xã An Tử Thượng lúc đó là vùng đất rất đông người dân quần tụ sinh cơ lập nghiệp, đời sống kinh tế trù phú. An Tử Thượng cũng là vùng đất khoa bảng có nhiều người học hành đỗ đạt cao, làm quan to trong triều đình như bia đá dựng năm 1656 đã nêu ở trên. Đặc biệt có Ngài Nguyễn Cảnh Diễn đỗ Hoàng giáp (bậc thứ hai trong thi đình) năm ông 56 tuổi, làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lễ (như Bộ trưởng hiện nay, Bộ Lễ đứng thứ 3 trong 6 bộ của triều đình phong kiến xưa). Dưới triều Nguyễn An Tử Thượng là xã thuộc tổng Ninh Duy, huyện Tiên Minh (đời vua Thành Thái đổi thành Tiên Lãng), tỉnh Hải Phòng, sau là tỉnh Kiến An. Ngày nay Làng Văn hóa An Tử gồm 4 thôn: gồm thôn An Tử 1 đến An Tử 4, thuộc xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.
Trước kia xã An Tử Thượng có 1 đình, 1 chùa (có tên chữ là chùa An Mộc-安木) và 1 miếu, nhưng thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, năm 1947, đình, chùa, miếu đều dỡ bỏ để tiêu thổ kháng chiến theo lệnh của Chính phủ. Đến nay người dân phục dựng lại 1 đình, chính là đình Làng Văn hóa An Tử và 1 chùa, chùa An Mộc.
4. Nhân vật lịch sử ( Thành hoàng) thờ tại đình Làng Văn hóa An Tử
Theo bản khai thần tích, thần sắc của các vị chức sắc làng An Tử Thượng về trên vào năm 1938, đình An Tử Thượng thờ 3 vị Thành hoàng: Thiên Chu Hoàng Thái Hậu, Mộc Hoàn Tôn thần và Chàng Rồng Tôn thần. Cũng theo khai báo của các vị chức sắc trong xã, dân làng không biết sự tích các vị Thành hoàng, chỉ được tiền nhân truyền khẩu lại duệ hiệu để cúng tế, lễ bái. Tuy nhiên trong khai báo thần tích đến thời điểm năm 1938, đình làng An Tử Thượng còn bảo tồn, lưu giữ được 10 đạo sắc phong của một số vua triều Nguyễn ban tặng cho các Ngài Thành hoàng. 10 đạo sắc đều ghi duệ hiêụ của các Ngài Thành hoàng đã nêu ở trên. 10 đạo sắc phong gồm: Sắc vua Tự Đức năm thứ 7 (1854) 1 đạo; Sắc vua Tự Đức thứ 11 (1858) 1 đạo; Sắc vua Tự Đức thứ 33 (1880) 1 đạo; Sắc vua Đồng Khánh thứ 2 (1887) 1 đạo; Sắc vua Duy Tân thứ 3 (1909) 1 đạo ; Sắc vua Khải Định thứ 2 (1917) 2 đạo; Sắc vua Khải Định thứ 9 (1924) 3 đạo. Đặc biệt sắc triều vua Khải Định thứ 9 (1924) gia tặng mỹ tự và nâng phẩm trật cho Ngài Thiên Chu Hoàng Thái Hậu là Trang huy Thượng đẳng thần; gia tặng mỹ tự, ban phong nâng phẩm trật cho Ngài Mộc Hoàn Đại Vương là Trác vĩ Thượng đẳng thần; Gia tặng cho Ngài Chàng Rồng Đại vương là Đôn ngưng tôn thần. Qua việc gia tặng mỹ tự và nâng phẩm trật Thượng đẳng thần cho các vị Thành hoàng làng An Tử Thượng, chứng tỏ các vị Thành hoàng rất có uy linh luôn âm phù cho quốc thái, dân an.
5. Khái quát lịch sử đình An Tử Thượng
Theo nội dung bia “Phó thần bi ký” (副神碑記) có niên đại năm 1656 và bia niên hiệu Minh Mạng thứ 10 (1829), hiện bảo tồn tại đình. Đình An Tử Thượng xưa, nay là đình Làng Văn hóa An Tử, được khởi dựng muộn nhất vào thế kỷ XVII. Đến thời Nguyễn đình được làm lại có quy mô kích thước to lớn trong vùng. Đình làm bằng vật liệu thiên nhiên truyền thống, kiến trúc chữ đinh, 5 gian đại bái, 3 gian cung, trong đó có 1 gian cung cấm. Đình mái chéo đao tầu góc, bên trong kết cấu ván sàn, lòng thuyền. Đình An Tử Thượng là công trình kiến trúc nghệ thuật, với các mảng chạm khắc trên các cấu kiện gỗ và những mảng, phù điêu trang trí đắp vẽ tinh xảo, có giá trị mỹ thuật cao. Hình bóng ngôi đình to, đẹp vẫn còn ghi dấu ấn đậm nét trong người dân Làng Văn hóa An Tử. Trong đình có rất nhiều đồ thờ tự, tế khí đẹp như long ngai bài vị, nhang án, câu đối, đại tự, cửa võng... Thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1947 theo chỉ đạo của Chính phủ, nhân dân địa phương dỡ bỏ đình, chùa An Tử Thượng để tiêu thổ kháng chiến. Vật liệu của đình dùng để làm hầm chống bom đạn, hầm chứa lương thực, thực phẩm…phục vụ kháng chiến Trong thời gian kháng chiến chống Pháp 1947 – 1953, đình An Tử Thượng thường xuyên là địa điểm hoạt động bí mật của lực lượng kháng chiến địa phương. Những thành tích của nhân dân An Tử Thượng nói chung và đình làng An Tử Thượng nói riêng đã góp phần to lớn xây dựng xã Khởi Nghĩa, địa phương được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp”.
Vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX, người dân địa phương dựng ngôi đình nhỏ đơn sơ trên nền đất đình cũ để thờ Thành hoàng. Năm 2016 được sự hưng công của mạnh thường quân, dân làng xây dựng đình Làng An Tử Thượng to đẹp hoành tráng như ngày nay.
6. Khảo tả sơ lược kiến trúc đình Làng Văn hóa An Tử
Như trên đã nói, đình An Tử Thượng bị tiêu thổ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 2016 nhân dân Làng Văn hóa An Tử bằng nguồn kinh phí xã hội hóa đã xây dựng lại ngôi đình trền nền đất cũ để phụng thờ Thành hoàng và làm nơi sinh hoạt bảo tồn văn hóa truyền thống của địa phương.
Đình Làng Văn hóa An Tử, hiện nay tọa lạc trên nền đất cũ với khuôn viên diện tích trên 1 ngàn m2. Đình nhìn về hướng Tây theo hướng cũ của ngôi đình cổ. Theo phong thủy đây là hướng phù hợp hài hòa trong âm dương ngũ hành. Phía trước đình là cánh đồng lúa rộng mênh mông.
Từ con đường thôn rộng được bê tông hóa đi vào sân nhà khách của đình là nghi môn. Nghi môn đình làm theo thức cột đồng trụ truyền thống, đăng đối nhau qua trục thần đạo. Hai cột lớn tượng trưng cho trời, tạo đường đi lớn chính môn ở giữa. Hai bên hai trụ nhỏ tượng trưng cho đất kết hợp với trụ lớn tạo ra hai cửa tả môn và hữu môn. Nghi môn đình được xây có kích thước cao to, bề thế và được trang trí đắp, vẽ theo thức truyền thống khá đẹp mắt, tạo ấn tượng uy nghiêm, tĩnh mặc cho mọi người dân khi vào cõi linh thiêng thờ Thành hoàng. Qua nghi môn là sân đình, được nát bằng gạch bát mầu đỏ, từ sân đi lên hai bậc tam cấp là khoảng sân nhỏ và bước tiếp 5 bậc cấp lên hiên đình. Đình Làng Văn hóa An Tử xây có tự dạng chữ đinh gồm 5 gian đại bái và 2 gian hậu cung, trong đó có 1 gian cung cấm. Đình xây kiểu thức mái chéo đao tầu góc, lợp ngói mũi truyền thống. Trên đỉnh giữa bờ nóc đình đắp đồ án lưỡng long chầu nguyệt. Hai đầu bờ nóc đắp kìm ngậm bờ nóc, đuôi kìm cuộn tròn như đám mây tụ, thể hiện ước vọng mưa thuận gió hòa của cư dân nông nghiệp. Trên hai khúc nguỷnh đắp con sô như chạy đến với nhau rất sinh động. Bộ khung chịu lực của tòa đại bái làm bằng bê tông cốt sắt, cấu trúc gồm bốn bộ vì, vì bốn hàng chân cột. Các chân cột được đắp chân tảng kiểu giả đá hình hoa sen. Các bộ vì cấu tạo tương tự nhau, vì nóc thuận chồng tạo giá chiêng, vì nách thuận chồng bốn con. Các thuận được kê trên nhau bằng đấu vuông thắt đáy, trên đấu đắp hoa sen cách điệu. Đầu dư của các bộ vì được đắp trang trí hình đầu rồng ngậm ngọc, râu tóc rồng bay về phía sau. Trên các cấu kiện kiến trúc như: thân thuận, đầu xà, má bảy tiền, bẩy hậu, nghé bảy…đều được đắp nổi theo đồ án truyền thống, như: lá lật, lá thiêng, vân xoắn, vân tụ…Dưới các bảy hiên được gia cố chống đỡ bằng các con sơn được được tạo dáng trang trí hoa văn mềm mại, sinh động và khá đẹp. Đình cấu tạo ba gian cửa chính, cửa làm bằng gỗ tốt, đóng theo cửa cổ, cửa thùng khung khách. Trên các ván cửa chạm nổi đề tài tứ quý, tứ linh. Phần tường xây bằng gạch bao che mặt tiền của hai gian hồi đình được trổ cửa sổ rộng hình vuông, phía trong đặt tấm đan trang trí hoa văn thoáng, kiểu hoa dây bốn góc và chữ thọ tròn cách điệu lớn ở giữa. Cung cấm đình ngăn cách với bên ngoài bằng hệ thống cửa cung, cửa làm bằng gỗ tốt, đóng theo kiểu cổ, cửa thùng khung khách. Gian giữa cửa có ngưỡng khá cao cấu tạo bốn cánh, việc vào trong cung cấm chủ yếu qua cửa nách. Cửa nách nhỏ hẹp có hai cánh, ngưỡng cao ngang ống chân, cửa đóng theo lối cổ, cửa thùng khung khách, thượng song hạ bản. Trong cung cấm có nhang án, đại tự, câu đối, cửa võng, ngũ sự phụng sự Thành hoàng. Trên bệ thờ cao nhất trong cung cấm bài trí ba long ngai và bài vị thờ ba vị Thành hoàng làng. Bên ngoài đại bái đình ngoài ban thờ chính là Thành hoàng, hai gian bên bài trí thờ Liệt sĩ, Bà mẹ VNAH của làng và một bên thờ các vị tiên công, khoa bảng, hậu thần. Nhìn chung tòa đại bái đình được bài trí đầy đủ các đồ thờ tự tế khí, như: nhang án, đại tự, câu đối, cửa võng…đồ thờ tự làm bằng gỗ tốt được sơn son thếp bạc, phủ hoàn kim rất sáng rạng tạo cho nơi thờ Thành hoàng một không gian trang trọng, uy nghiêm và linh thiêng.
7. Những cổ vật, tư liệu lịch sử tiêu biểu được bảo tồn tại đình Làng Văn hóa An Tử
7.1. Bia đá 1
Bia đá, kiểu bia dẹt, trán hình bán nguyệt, trán bia mặt trước chạm trang trí hoa văn lưỡng long ẩn hiện trong mây chầu mặt nguyệt. Trán bia mặt sau chạm trang trí mây tụ chầu xung quanh bông hoa cúc mãn khai lớn ở giữa. Diềm bia trang trí hoa văn hoa cúc vân mây uốn lượn hình sin . Bia có kích thước cao 67 cm, rộng 47 cm, dầy 14 cm, bia khắc hai mặt chữ, chữ còn khá rõ. Mặt trước tiêu đề bia ghi “Phó thần bi ký” (副神碑記), mặt sau khắc “Bản xã bi ký” (本社碑記). Nội dung bia dân làng An Tử Thượng, huyện Tiên Minh, phủ Nam Sách tôn vinh bầu Ngài Ngô Văn Khuê là Gíam sinh Quốc tử giám, chức Chỉ huy Liễm sự, cùng vợ đã đứng đầu hưng công đóng góp tiền của, ruộng đất để địa phương trùng tu tôn tạo đền miếu của làng. Mọi người dân trong xã đã bầu ông bà là Phó thần (hậu thần) được thờ phối hưởng tại đền miếu của làng. Trong bia cũng ghi nhiều vị người địa phương có học vị chức vụ cao tham gia công đức tiền của cho làng để trùng tu, tôn tạo đền miếu của làng.
7.2. Bia đá 2
Bia bằng đá xanh, kiểu bia dẹt, khắc chữ hai mặt. Bia có kích thước cao 65 cm, rộng 50 cm, dầy 15 cm. Trán bia hình bán nguyệt, diềm bia dật hai cấp, không có trang trí. Trán bia cả hai mặt trang trí hoa văn mây tản. Chữ trên bia đã bị mờ mòn nhiều chữ, nội dung bia ghi việc công đức của người dân địa phương. Dòng lạc khoản trên bia còn khá rõ, bia dựng vào niên hiệu Minh Mạng thứ 10, năm Kỷ Sửu 1829.
7.3. Long ngai, bài vị
Gồm ba bộ, long ngai được tạo tác có kích thước khá lớn. Long ngai cấu tạo có đế, thân và tay long ngai. Đế long ngai tạo kiểu sập thờ có chân quỳ dạ cá, trên đế long ngai được chạm thủng, chạm nổi đề tài tứ linh (long, lân, quy, phượng), tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai). Thân long ngai tạo các song con tiện trên song chạm nổi rồng uốn khúc xung quanh song tiện. Tay long ngai tạo dáng hình cánh cung, đầu tay ngai tạo dáng đầu rồng vươn ra phía ngoài. Bên trong long ngai đặt bài vị, trên lòng bài vị ghi duệ hiệu của các vị Thành hoàng làng. Long ngai bài vị được tạo tác bằng gỗ vàng tâm, được sơn son thếp bạc, phủ hoàn kim, có niên đại tạo tác thế kỷ XIX.
8. Những sinh hoạt văn hóa và hội lễ tại đình Làng Văn hóa An Tử
Trước kia hằng năm tại đình An Tử Thượng nhân dân địa phương tổ chức các tiết lệ cổ truyền theo ngày âm lịch, như: ngày 23 tháng 10 lễ cơm mới, ngày lễ kỳ phúc vào ngày 20 tháng 11. Nhưng ngày 20 tháng 11 là ngày hội làng được tổ chức lớn nhất trong năm. Lễ hội làng diễn ra 2 ngày 20 và 21 tháng 11, trong hội lễ ngoài dâng hương tế lễ, dân làng còn tổ chức rước thánh bằng kiệu đi quanh làng. Hội còn có các trò chơi thi đấu dân gian, như: đánh cờ người, bắt vịt, hát chèo sân đình… Ngày nay theo quy định hai năm Làng Văn hóa An Tử tổ chức lễ hội một lần vào dịp lễ kỳ phúc của làng. Lễ hội làng diễn ra trong 2 ngày 20, 21 tháng 11. Trong hội lễ dân làng tổ chức rước thánh đi quanh làng, 19 dòng họ trong làng tổ chức dâng lễ lên Thành hoàng. Ngoài việc dâng hương tế lễ thánh, địa phương còn tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, như: giao lưu văn nghệ trong và ngoài địa phương, biểu diễn dân vũ, dưỡng sinh… Địa phương đang từng bước kế thừa, phát huy những tiết hội truyền thống tốt đẹp của tiền nhân đã xây dựng lên
Một số hình ảnh trong buổi lễ, hội đình làng



